Bệnh viện Covid-19 kín giường

P HCMF0 nhập viện tăng liên tiếp khiến nhiều bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến cuối kín giường trở lại sau một thời gian giảm.

0
P HCMF0 nhập viện tăng liên tiếp khiến nhiều bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến cuối kín giường trở lại sau một thời gian giảm.

Trong 5 ngày tính từ 22/11, có 7.140 F0 nhập viện, trong khi số ra viện là 4.749, theo dữ liệu của Sở Y tế TP HCM. Số ca nhập viện có xu hướng tăng từng ngày. Các bệnh viện TP HCM đang điều trị hơn 14.000 F0, trong đó 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 ca can thiệp ECMO.

Số F0 nằm viện đang thấp hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm (hồi cuối tháng 8 hơn 40.000 F0 nằm viện, trong đó gần 2.800 ca thở máy, ECMO), tuy nhiên các bệnh viện điều trị Covid-19 tại thành phố đang tăng cường hết công suất để tiếp nhận bệnh nhân. Lý do là trong bối cảnh thích ứng mới, nhiều bệnh viện điều trị Covid-19 giải thể hoặc phục hồi công năng để khám chữa bệnh thông thường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM), tại họp báo chiều 25/11, cho biết hiện nay, theo mô hình mới, thành phố có ba bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16 chuyển đổi mô hình hoạt động dã chiến 3 tầng. Các bệnh viện này tập trung bố trí số giường bệnh cũng như giường hồi sức theo 3 tầng để hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh từ nhẹ, trung bình đến nặng.

Biểu đồ bệnh nhân xuất - nhập viện từ ngày 20-24/11, theo thống kê của Sở Y tế TP HCM.

Biểu đồ bệnh nhân xuất – nhập viện từ ngày 20-24/11, theo thống kê của Sở Y tế TP HCM.

Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình ngày 25/11 điều trị khoảng 850 F0 – số bệnh nhân đông nhất kể từ khi bệnh viện thành lập trên cơ sở chuyển đổi công năng Trung tâm triển lãm và hội chợ Tân Bình, cách đây ba tháng. Hoạt động theo mô hình tích hợp “3 trong 1”, tất cả giường bệnh ở cả ba khu điều trị F0 từ nhẹ, trung bình đến nặng, nguy kịch đều kín giường. Khu D phải kê thêm khoảng 50 giường xếp để tiếp nhận F0 nhẹ.

Bác sĩ Hồ Hữu Đức (Phó giám đốc Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình) cho biết F0 nhập viện tăng cao khoảng hai tuần nay. Trước đây, trong giai đoạn cao điểm, bệnh viện điều trị khoảng hơn 700 F0. Giữa tháng 10, bệnh nhân giảm còn khoảng 390. Gần đây, bệnh viện tiếp nhận cao điểm khoảng 100 ca mỗi ngày. Khu cấp cứu lúc nào cũng đầy bệnh nhân, nhiều người phải lưu lại thời gian dài để chờ sắp xếp giường ở các khu điều trị.

Theo bác sĩ Đức, hiện số bệnh nhân nặng giảm hơn so với trước kia song vẫn còn cao, với khoảng 40 ca trong khu hồi sức, 120 ca trong khu bệnh nặng. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân tăng nhiều, khiến đội ngũ điều trị với 70 bác sĩ, 140 điều dưỡng cùng các tình nguyện viên vẫn phải hoạt động hết công suất.

“Thành phố mở cửa trở lại, số ca nhiễm tăng là điều khó tránh khỏi, trong khi đó nhiều khu cách ly đóng cửa, nhiều bệnh viện trở về công năng khám chữa bệnh thông thường nên lượng bệnh nhân dồn về đây đông”, bác sĩ Đức lý giải. Hiện, Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình là một trong 8 bệnh viện “cụm trưởng” theo phân chia của Sở Y tế TP HCM, chịu trách nhiệm hội chẩn, chuyển tuyến F0 có dấu hiệu nặng của quận Tân Bình, Phú Nhuận.

Bệnh nhân Covid-19 đầy kín giường tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, ngày 25/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân Covid-19 đầy kín giường tại Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình, ngày 25/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Tình trạng F0 nhập viện tăng cũng được ghi nhận tại hầu hết các bệnh viện, trung tâm hồi sức tích cực tuyến cuối khác. Bệnh viện Quân y 175 khoảng hai tuần nay số bệnh nhân có xu hướng tăng kín giường trở lại, tương đương giai đoạn cao điểm trước đây. Trung bình những ngày gần đây bệnh viện tiếp nhận khoảng 40-50 ca mới một ngày, gấp 2-3 lần hồi giữa tháng 10.

Thượng tá, bác sĩ Bùi Đức Thành (Giám đốc Trung tâm Điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết bệnh nhân đợt này nhẹ hơn so với trước vì đa số đã được tiêm vaccine. Tuy nhiên, nhiều F0 cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền nặng khiến việc điều trị cũng rất khó khăn, đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa, theo dõi sát nguy cơ diễn tiến nặng. Hiện, nơi này điều trị khoảng 150 F0 nặng, nguy kịch, cao điểm trước kia dao động khoảng 250-300 ca.

Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 gần đây không còn giường trống. Phó giáo sư Lê Minh Khôi (Phó giám đốc Trung tâm) cho biết nơi đây đang điều trị 100 bệnh nhân, trong đó 31 ca thở máy. Hiện, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-12 ca mới, trong khi hồi tháng 10 có ngày chỉ 3 trường hợp vào viện.

Theo phó giáo sư Khôi, bệnh viện đang nỗ lực huy động nhân lực, vật lực để có thể tăng công suất lên 150 giường. Tuy nhiên, trong tình hình mới, nhân viên bệnh viện phải quay trở lại hoạt động khám chữa bệnh thông thường, cộng thêm nhiều y bác sĩ mắc Covid-19, khiến việc mở rộng gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, hầu hết bệnh nhân vào trung tâm diễn tiến nặng nề vì tỷ lệ phủ vaccine chưa nhiều, hoặc tiêm xong chưa đủ thời gian tạo kháng thể. Đa số ca tử vong là người chưa tiêm vaccine. Đáng tiếc, hiện khoảng 50% bệnh nhân nhập vào trung tâm cũng chưa được tiêm vaccine, trong đó rất nhiều người cao tuổi, nhiều bệnh nền, khi mắc Covid-19 càng dễ trở nặng. “Nhiều người nhận thức không đúng về vai trò của vaccine, lo sợ đang có bệnh nền khi chích vaccine sẽ nguy hiểm, trong khi đó đây là nhóm cần được chích vaccine nhất”, phó giáo sư Khôi nói.

Nhân viên y tế vận chuyển oxy điều trị bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp. Ảnh: Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình

Nhân viên y tế vận chuyển oxy điều trị bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp. Ảnh: Bệnh viện dã chiến đa tầng Tân Bình

Trước tình hình F0 tăng, kéo theo số bệnh nhân nặng cần nhập viện sẽ tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm có bệnh lý nền, tuổi trên 50, Sở Y tế TP HCM vẫn tập trung vào chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện, bên cạnh chiến lược quan trọng là quản lý F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà.

Biểu đồ tình hình ca nhiễm, nặng, tử vong tại TP HCM trong một tuần kể từ ngày 19/11, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.

Biểu đồ tình hình ca nhiễm, nặng, tử vong tại TP HCM trong một tuần kể từ ngày 19/11, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.

Nhằm đảm bảo lực lượng thu dung và điều trị, Sở Y tế TP HCM đang tăng cường điều nhân viên y tế đến những bệnh viện dã chiến 3 tầng. Ngành y tế cũng đã tính toán quy chế phối hợp hoạt động trong quản lý F0 tại nhà và tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Theo bà Mai, nhiều bệnh viện hiện nay đã nhanh chóng trở lại công năng ban đầu và có thể khám, chữa bệnh các bệnh lý thông thường. Bệnh nhân với bệnh lý thông thường nhưng đến bệnh viện dã chiến trị Covid-19 vẫn sẽ được tiếp nhận. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến bệnh viện có chức năng chữa trị phù hợp gần nhất để hỗ trợ tốt nhất. Do đó, các bệnh viện sẽ không bị quá tải.

Sở Y tế TP HCM yêu cầu các cơ sở y tế tuyến thành phố có sự chuẩn bị, sẵn sàng trước tình hình diễn biến phức tạp và đề phòng số ca F0 có tăng cao trong thời gian tới. Đối với các bệnh viện trước đây đã chuyển đổi toàn phần, hoặc một phần để điều trị Covid-19, từ nay đến cuối năm sẽ dần phục hồi công năng để khám chữa bệnh thông thường nhưng giữ lại khu cách ly (20-40 giường) dành cho các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm; đồng thời chuyển tiếp khu cách ly thành khoa/đơn vị điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Sở cũng đang đề xuất mở lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị.

Thực tế F0 tăng gần đây là điều đã nằm trong dự đoán của giới chức y tế, khi thành phố mở cửa, doanh nghiệp tái sản xuất, các hoạt động dần trở lại nhộn nhịp trong bình thường mới. Các chuyên gia cũng cho rằng nếu số ca nhiễm mới không trở nặng, không tử vong thì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, không phải là vấn đề đáng lo ngại.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nhanh chóng tiêm vaccine, nâng cao ý thức và tuân thủ quy tắc phòng chống dịch, cố gắng tuân thủ tối đa nguyên tắc 5K, không chủ quan. Những người vì lý do sức khỏe chưa đủ điều kiện tiêm vaccine và đặc biệt những người tuổi cao, có bệnh nền, béo phì dù đã tiêm vaccine… nên hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc những nơi đông người.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây